Đánh giá Mạc_Thái_Tổ

Là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 16 (đặc biệt về mặt chính trị và quân sự), một thế kỷ nhiều biến động mang tầm ảnh hưởng chưa từng có trước đó trong lịch sử dân tộc, mà ông vừa là một nhân chứng vừa là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên chúng. Mạc Đăng Dung là một viên tướng tài nhiều công trạng, đồng thời là một chính khách khôn ngoan, hành xử linh hoạt hiếm thấy ở vào một thời kỳ mà chính quyền và xã hội Đại Việt trên 20 năm cuối thời Lê sơ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng cùng với 14 năm đầu tiên đầy thử thách của triều Mạc do ông sáng lập.

Dù hành trạng cuộc đời và sự nghiệp có những điểm tương đồng với người đã sáng lập lên nhà Hậu Lý là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) nhưng việc lập lên nhà Mạc của Mạc Đăng Dung vào năm 1527 đã phải đối mặt với những sự chống đối lớn hơn rất nhiều so với khi nhà Lý ra đời năm 1009. Các nhà sử học hiện đại phần lớn thống nhất quan điểm ở một nguyên do cho sự khác biệt trên là bởi Phật giáo giữ vị thế độc tôn trong xã hội Đại Việt từ đầu thế kỷ 11 nhưng đến thời nhà Hậu Lê thì đã bị mất hoàn toàn vị thế này vào tay Nho giáo (đặc biệt là Tống Nho). Chính những tư tưởng hà khắc, bảo thủ mạnh của Tống Nho đã bám rễ sâu vào ý thức của một bộ phận lớn Nho sĩ, trí thức Đại Việt cho tới đầu thế kỷ 16 là một nguyên nhân chính chống lại sự ra đời của nhà Mạc.

Từ một người xuất thân hàn vi, trở thành lính Túc vệ và cuối cùng thành một hoàng đế, đó là cả một quá trình không phải chỉ do may mắn. Để có được những bước tiến kỳ diệu ấy, ngoài tài thao lược, chắc hẳn phải có mưu lược cộng với ít nhiều may mắn do thời cuộc đưa lại. Trong trường hợp này, có thể nói Mạc Đăng Dung là “anh hùng lập thân trong thời loạn”. Điểm lại nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời chính trị của Mạc Đăng Dung đã cho thấy ông là một chính khách hành xử nhiều toan tính, linh hoạt không thường thấy trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Điều quan trọng là hầu hết những toan tính đó không vì lợi ích cá nhân (hay gia tộc) trước mắt mà hướng tới đại cục lâu dài mang tầm quốc gia. Nó cũng cho thấy ông có khả năng giành được quyền lực và sử dụng quyền lực với tính linh động cao, biết khi nào cần cương khi nào cần nhu, khi nào cần tiến khi nào cần lùi, không cứng nhắc hay tham quyền một cách ích kỷ. Về mặt linh hoạt trong cách hành xử, ông đã cho thấy mình không hề kém cạnh so với người đồng hương xứ ĐôngNguyễn Bỉnh Khiêm. Một vài sự kiện có thể xem là minh chứng tiêu biểu cho nhận định trên:

  1. Sự kiện Mạc Đăng Dung chủ động kết nối thông gia với Trần Chân, một thế lực đang lên đương thời;
  2. Sự kiện Mạc Đăng Dung hai lần tha chết, không truy sát Nguyễn Hoằng Dụ (vốn có quan hệ họ hàng gần với cha của Nguyễn HoàngNguyễn Kim), mở đường sống cho Hoằng Dụ rút về Thanh Hóa;
  3. Sự kiện ông chủ động tạm lui về quê nhà Cổ Trai khi đang ở đỉnh cao quyền lực (giai đoạn 1525-1527), để quan sát tình hình và tránh những lời gièm pha chuyên quyền sau khi liên tục được vua Nhà Lê gia tăng chức tước bởi công lao dẹp loạn, giữ ổn định chính sự trong nhiều năm;
  4. Sự kiện ông chọn thời điểm thích hợp để phế ngôi Nhà Lê sơ mà không gây cảnh thảm sát, tắm máu (như những cuộc thanh trừng cuối thời Trần), sau khi đã dành nhiều năm nghe ngóng lòng dân và thu phục nhân tâm;
  5. Sự kiện ông cởi mở trưng dụng hiền tài và thu dụng đội ngũ Nho sĩ - trí thức cựu triều Lê sơ một cách rộng lượng, đồng thời không vội vàng thay đổi những thể chế đã được định hình dưới thời thịnh trị của Nhà Lê sơ, vì thế phần nào tránh được vết xe đổ của Hồ Quý LyNhà Hồ hơn một thế kỷ trước;
  6. Sự kiện ông chỉ giữ ngôi vua có 3 năm, rồi theo kế sách thời Trần mà chủ động nhường ngôi cho con trưởng Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông), sau đó lui về Dương Kinh (Cổ Trai) quê nhà nhưng vẫn quán xuyến hầu hết những việc hệ trọng quốc gia cho tới tận khi mất với vai trò của một Thái thượng hoàng;
  7. Sự kiện ông buộc phải sử dụng “khổ nhục kế” (xin trá hàng và dâng đất khống) trước đạo quân xâm lược Nhà Minh do nhà Lê Trung hưng cầu viện, khi đang ở vào tình thế lưỡng đầu thọ địch, thù trong giặc ngoài (cộng thêm một bất lợi lớn là việc Mạc Thái Tông vừa qua đời đột ngột, con nối ngôi là Hiến tông Mạc Phúc Hải vẫn còn nhỏ tuổi).

Là một triều đại đối địch hoàn toàn với quyền lợi của các dòng họ thế lực Lê-Trịnh-Nguyễn (vốn cùng phát tích từ xứ Thanh) của Nhà Lê Trung Hưng và cả Nhà Nguyễn về sau, bởi vậy sau khi Nhà Mạc thất thủ (1592), sự nghiệp cũng như vai trò lịch sử của Mạc Đăng Dung và triều Mạc (trong đó bao gồm cả những nhân vật tên tuổi là trung thần của Nhà Mạc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Mạc Ngọc Liễn...) không tránh được cái nhìn thiên kiến của đại bộ phận những sử gia, học giả dưới thời cai trị của các dòng họ Lê-Trịnh rồi họ Nguyễn trong nhiều thế kỷ.

Tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (do nhà Lê-Trịnh sai biên soạn bổ sung ở thế kỷ XVII) coi Nhà Mạc là “ngụy triều” nên không thèm chép riêng thành một kỷ và gọi một cách khinh bỉ là “Mạc thị”. Học giả kiêm sử gia danh tiếng thời Lê-Trịnhthế kỷ XVIIILê Quý Đôn thì xếp tất cả các vua Mạc vào loại “nghịch thần”. Sử gia thời Nhà Nguyễn cũng có quan điểm gần như tương đồng với thời Lê-Trịnh khi viết về Mạc Đăng Dung và Nhà Mạc. Hầu hết ghi chép lịch sử còn lưu lại của những sử gia, học giả các triều đại đối địch kể trên về triều Mạc chủ yếu là mang tính hình thức, không mấy khi nhắc tới những thành tựu nổi bật của Nhà Mạc trong nhiều lĩnh vực quan trọng như an ninh - quốc phòng, chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng... Những cái nhìn theo hướng như vậy cũng được phần lớn giới nghiên cứu hiện đại ở Việt Nam duy trì cho tới giai đoạn cuối thập niên 1980.

Đại bộ phận sử gia, học giả Việt Nam từ thời Lê trung hưng (1533), qua thời Nguyễn cho tới trước thời kỳ Đổi Mới, một mặt thường phủ nhận vai trò tích cực đối với lịch sử dân tộc của Mạc Đăng Dung và triều Mạc, một mặt luôn nhấn mạnh những thứ được xem là “tội” như giết vua, cướp ngôi, đầu hàng, cắt đất cho ngoại bang. Những đại diện tiêu biểu cho cách nhìn nhận này là Ngô Thì Nhậm, Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim, Đinh Xuân Lâm, Trần Thị Băng Thanh, Dương Thu Hương. Nhưng đồng thời cũng có không ít quan điểm có thể xem là đồng tình của giới nghiên cứu đối với những phương án hành xử gây nhiều tranh cãi nhưng “phù hợp với tình thế lịch sử đương thời và phục vụ cho lợi ích chung dân tộc về lâu dài” của Mạc Đăng Dung. Tiêu biểu cho cách nhìn này có Nguyễn Văn Siêu, Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Trần Quốc Vượng, Trần Gia Phụng, Trần Khuê, Trần Lâm Biền, Vũ Khiêu, Văn Tạo, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Gia Kiểng, Phan Đăng Nhật, Trần Thị Vinh.

Xét về nhiều mặt, đánh giá về Mạc Đăng Dung phức tạp hơn hẳn so với những nhân vật lịch sử gây tranh cãi khác như Trần Thủ ĐộHồ Quý Ly. Nó bị chi phối bởi một vấn đề gần như vĩnh cửu trong lịch sử: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam (bao gồm cả lịch sử chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc). Trong con mắt chính thống của người Việt nói chung thì ông tuy giỏi ứng biến và bảo toàn nguyên vẹn được nền độc lập tự chủ của nước Việt nhưng đã làm mất thể diện quốc gia một cách nghiêm trọng. Thậm chí về mặt này, một người bị mang tiếng cướp ngôi khác như Hồ Quý Ly còn nhận được không ít ngợi ca vì đã dám đánh (đánh bằng bất cứ giá nào) và cuối cùng để mất nước. Xét cả thời kỳ làm quan lẫn giai đoạn làm vua, Hồ Quý Ly về khả năng ứng biến với những hoàn cảnh khó lường dù là thua kém hơn hẳn Mạc Đăng Dung nhưng lại thu phục được cảm tình của đa số người Việt nói chung bởi một chủ trương đã gần như in sâu vào tiềm thức Việt: đánh luôn vẻ vang hơn hòa và phải đánh giặc trong bất cứ hoàn cảnh nào dù có phải mất nước ngay sau đó như trường hợp Nhà Hồ. Đã có một giả thuyết lịch sử được đặt ra là nếu Mạc Đăng Dung xuất quân khí thế và chiến thắng oanh liệt trước đạo quân xâm lược Nhà Minh trên chiến trường thì “tội cướp ngôi” của ông có thể sẽ gần như được tâm thức chung người Việt “bỏ dần vào quên lãng” như trường hợp Lê Hoàn (Lê Đại Hành) và Trần Thủ Độ.

Quan điểm của các nhà nghiên cứu về công và tội của Mạc Đăng Dung

Thời Lê Trung hưng (15331789), đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, sử sách chỉ để lại đôi dòng mang tính “tích cực” về Mạc Đăng Dung và thời Mạc như trường hợp của Phạm Đình Hổ. Tuy nhiên sang thời Nhà Nguyễn, những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa dần định hình một hướng nghiên cứu mới mang tích khách quan hơn về Nhà Mạc (dù vẫn cơ bản coi Mạc Đăng Dung là tiếm ngôi). Cụm từ Ngụy Mạc phổ biến từ thời Lê-Trịnh được hạn chế sử dụng hơn dưới thời Nguyễn trong các văn tự còn lưu lại. Những học giả mà đánh giá của họ (về Mạc Đăng Dung) được trích dẫn dưới đây thuộc những thời kỳ lịch sử khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau. Trong số này có những người theo Hán học, người theo Tây học, người theo đường lối cộng sản và cả những người không theo hoặc chống lại đường lối cộng sản, những người sống tại Việt Nam và cả những người định cư tại hải ngoại.

Trong số những nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại, học giả nổi tiếng cả về Cựu học và Tân học Trần Trọng Kim có lẽ là người chỉ trích Mạc Đăng Dung kịch liệt hơn cả:[83]

Mạc Đăng Dung đã làm tôi Nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là người nghịch thần, đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cửi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lậy trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn Nhà Lê, dẫu có mượn được thế Nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cơ nghiệp dựng nên bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được. Cũng vì cớ ấy mà con cháu họ Lê lại trung hưng lên được...

Học giả, nhà sử học Lê Văn Hòe (1911-1968), bút danh Vân Hạc, được xem là người đi đầu trong hướng đánh giá mang nhiều tính lý trí, khách quan lịch sử về sự nghiệp của Mạc Đăng Dung. Nó càng đặc biệt bởi được viết ra từ suy nghĩ của một nhà nghiên cứu mang họ Lê, dòng họ đã mất ngôi vua về tay họ Mạc:

Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn “Việt Nam sử lược” là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung - vua Thái Tổ Nhà Mạc... Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao.

...Thời bấy giờ là thời thiên hạ đại loạn. Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi. Vua ngờ vực tất cả mọi người và chỉ định giết. Tôi thì giết vua triều thần chẳng ai coi vua ra gì. Sinh vào thời đại loạn như vậy chỉ có hai đường: một là lui về nơi sơn lâm để tránh tai vạ, hai là xông ra dẹp loạn an dân giúp vua, giúp nước. Mạc Đăng Dung đã đi vào con đường thứ hai. Đăng Dung phù vua nhưng vua định hại Đăng Dung. Cuối cùng Đăng Dung mới cướp ngôi vua vì thấy vua bất lực. Kể ra thì Mạc Đăng Dung cũng không tránh khỏi cái tội giết vua và cướp ngôi.

Nhưng trước kia thời Đinh, Lý, Trần không phải là không có người giết vua, cướp ngôi, ngay thời Mạc Đăng Dung cũng có bao nhiêu kẻ hoặc đã giết vua hoặc lăm le cướp lấy ngôi báu. Đứng vào địa vị Mạc Đăng Dung bấy giờ muốn tiến thân không ai làm khác được. Giả sử Mạc Đăng Dung lui về ẩn dật, bỏ mặc việc đời, thì Nhà Lê cũng không giữ nổi cơ nghiệp, ngai vàng hoặc đã về họ Trịnh, họ Trần (Trần Cao) hay họ Nguyễn, họ Hoàng. Mạc Đăng Dung chỉ là một người anh hùng lập thân ở thời loạn mà thôi. Trách Mạc Đăng Dung sao không cúc cung, tận tụy thờ vua Lê thì có khác gì trách Võ, Thang sao không tận trung thờ các vua Kiệt, Trụ.

Lẽ ra Mạc Đăng Dung phải làm công việc của Võ, Thang ngay từ thời Uy MụcTương Dực rồi mới phải. Nhưng có lẽ Mạc Đăng Dung còn muốn đợi xem lòng dân thế nào. Đến khi thấy rõ lòng dân Sơn Tây, Thanh Hóa đối với vua Lê, bấy giờ Đăng Dung mới quyết. Như vậy kể cũng đã thận trọng chứ không phải hành động mù quáng, lỗ mãng. Nếu ai cũng sợ tiếng nghịch thần thì từ thượng cổ đến giờ, trong lịch sử Trung Hoa, lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các dân tộc khác, có lẽ chỉ có một dòng họ làm vua chứ làm gì còn có các nhà Tần, Hán, Đường, Tống, Lê, Lý, Trần, Hồ.

— Trích Hồ Quý Ly - Mạc Đăng Dung, Quốc học thư xã, Hà Nội-1959, tr. 25

Nhà sử học Phạm Văn Sơn[84] có nhiều quan điểm đồng tình với học giả Lê Văn Hòe:

Không có họ Mạc ra đời thuở đó, thì trong nhân dân cũng phải có một người khác nhẩy ra để thiết lập trật tự mới. Có bao giờ trong một quốc gia chỉ có một dòng họ duy nhất xứng đáng để làm vua, còn những dòng họ khác chỉ đủ tư cách làm thứ dân mà thôi? Lý Công Uẩn cướp ngôi Nhà Tiền Lê, Lê Hoàn tư thông với Dương hậu thay thế Nhà Đinh, Trần Thủ Độ lừa gạt một cô gái nhỏ (Lý Chiêu Hoàng), xét việc họ Mạc cướp ngôi Nhà Hậu Lê còn đàng hoàng hơn. Hạ sát vua Chiêu Tông, Mạc chỉ có mục đích hủy bỏ cái bình phong mà các lãnh tụ phong kiến đã dùng để che đậy hành động mưu đồ vương bá của họ và vì cả lý do bảo vệ cho chính bản thân nữa.

Trần Trọng Kim còn cho rằng Mạc đã xây dựng sự nghiệp trên sự tàn ác nên không bền. Lời phê phán này lại càng hàm hồ nữa. Ông Lê Văn Hòe cho rằng người ta đã cố ý quên rằng Nhà Tiền Lê, Nhà Lý, Nhà Trần và các Chúa Trịnh sau này cũng đi đường lối ấy. Các xã hội phong kiến bao giờ cũng gây ra những cuộc đảo lộn ngai vàng. Nó hư hỏng ngay từ nền tảng, khuôn nếp hay hệ thống tổ chức thì mối loạn là một tình trạng thường trực không sao tránh được nếu không làm gì có Nhà Đường, Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh bên Trung Quốc.

Nếu cho rằng Nhà Mạc đã làm việc gian ác, thì Trần Thủ Độ âm mưu với Trần thị (vợ vua Lý Huệ Tông) đem cháu trai vào cung bầy cuộc hôn nhân để chiếm ngôi Nhà Lý. Thủ Độ lại lấy vợ của Huệ Tông là em gái họ mình, giết hết con cháu Nhà Lý, ép vua Trần Thái Tông bỏ Chiêu Hoàng lấy chị dâu là vợ Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh đã có thai 3 tháng, ra lệnh cho con cháu Nhà Trần lấy nhau, các hành động đó có gian ác không? Vậy mà họ Trần còn làm vua được 175 năm. Nhà Tây Sơn sau này dấy nghiệp lên trừ tham nhũng của bọn Trương Phúc Loan, đạp đổ chế độ tồi bại của hai họ Trịnh, Nguyễn ở miền Nam Bắc Hà, giải nạn xâm lăng cho dân tộc, oanh liệt đàng hoàng như vậy mà chỉ ở ngôi có 24 năm, có nói được là bền chăng?

Trong lúc xã hội Việt Nam đi dần đến chỗ đều hòa, thăng bằng, người dân đang tu tạo sự nghiệp sau hai chục năm nước nhà lụn bại về mọi phương diện, một bọn quan lại Nhà Lê không thắng nổi họ Mạc lại phải dùng cái chước hèn hạ nhất và cũng tai hại nhất là sang lậy van con cháu Minh Thành Tổ, đúng cái vai trò vô sỉ của bọn Bùi Bá Kỳ, Trần Thiêm Bình đã làm hơn một thế kỷ trước. Tâm lý của người Minh trước kia thế nào thì sau này cũng lại thế. Bài học lịch sử xưa đã ghi rằng: khi quân Minh cất quân sang đánh Nhà Hồ có tuyên ngôn rằng để dựng lại họ Trần, rồi khi Nhà Hồ bị tiêu diệt, quân Minh dở mặt lập ngay cuộc đô hộ. Vậy với chuyện thứ hai này, con cháu Minh Thành Tổ sẽ tử tế, nhân đức hơn chăng? Bọn Trần Thiêm Bình chưa có kinh nghiệm về Bắc phương còn tha thứ được một phần nào, chứ bọn cố thần Nhà Lê đầu thế kỷ XVI không còn bào chữa tội lỗi vào đâu nữa.

— Trích trong Việt sử toàn thư (1960)

GS Trần Quốc Vượng:

Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp Nhà Mạc qua những gì sử thần Nhà Lê viết. Triều đình Lê-Trịnh đối địch với triều Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI, và còn tiếp tục đối địch với triều Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng ba đời nữa cho đến hết nửa đầu thế kỷ XVII; do vậy sứ thần Nhà Lê-Trịnh bôi xấu triều Mạc là chuyện tất nhiên. “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” là chuyện thường tình... Ta cần bổ sung bằng các tư liệu điền dã trong nước, tư liệu nước ngoài để “hiểu” về Nhà Mạc ngày càng cụ thể, sâu sắc hơn... Mạc Đăng Dung lấy ngôi vua Nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà là từ những "vua lợn", "vua quỷ"... Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo. Toàn thư (tập IV, KHXH, 1968, tr. 118) chép: “Bấy giờ thần dân trong nước theo Mạc Đăng Dung đều đón vào kinh sư”. Bài chiếu nhường ngôi, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo viết, việc ấy là “theo lẽ phải”!

— Trích bài “Mấy vấn đề về Nhà Mạc” trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Nhà Xuất bản KHXH, HN, 1996

GS Vũ Khiêu (nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam):

Những thành kiến sai lầm đối với Nghi Dương, đối với Nhà Mạc và cả đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm được hình thành từ hơn bốn thế kỉ không thể nhanh chóng được xóa bỏ hết.

...Nhìn lại những tư tưởng và việc làm của Mạc Đăng Dung ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyên tuyết, chọc thủng lớp dày băng giá mùa đông để chào đón mùa xuân của đất nước.

...Việc bôi nhọ Mạc Đăng Dung và Nhà Mạc trước hết vấp phải Nguyễn Bỉnh Khiêm, một ngọn núi cao sừng sững bảo vệ Nhà Mạc. Vì sao nhà trí thức kiệt xuất này, suốt cuộc đời cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với Nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của Nhà Lê để cuối cùng chọn Mạc Đăng Dung như minh chủ của mình? Theo những người xuyên tạc nói thì Nguyễn Bỉnh Khiêm bất đắc dĩ phải theo Nhà Mạc mà thôi. Thực ra trước những thành công và tiến bộ nhất định của Nhà Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự vui mừng, tin tưởng ở một xã hội thanh bình và thịnh trị do triều đại mới đem lại: “Mừng thấy thời vần đời mở trị / Thái bình thiên tử, thái bình dân”. Ông quyết định ra phục vụ Nhà Mạc, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử: “Quân tử mới hay nơi xuất xứ / Trượng phu cũng có chí anh hùng”. Họ còn nói: ông đã nửa chừng bỏ triều Mạc để về quê. Không phải như thế! Ngược lại, ông đã suốt đời đem hết tâm lực để phục vụ triều Mạc trên mọi lĩnh vực văn học, chính trị, quân sự coi như nghĩa vụ lớn lao của mình: “Ba đời chúa được phúc tình cờ / Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ”. Cho đến lúc ông 70 tuổi dù được về nghỉ ở quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thủy với các vua Mạc, vẫn nhiều lúc về thăm vua, nhiều lúc theo vua ra mặt trận: “Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục / Chỉ vì già yếu há quên vua”. Tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thái độ của ông do chính ông tự tay viết ra và còn để lại đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc vô căn cứ về ông. Những lời tâm huyết trong thơ của ông khiến người đời sau phải suy nghĩ vì sao ông lại gắn bó với Mạc Đăng Dung và triều Mạc đến thế.

GS Văn Tạo (Viện Sử học):

Toàn bộ công tích của Nhà Mạc cống hiến cho dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng của Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau: Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Thành tựu của Nhà Mạc không ai có thể phủ nhận được.

...Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra khủng hoảng cung đình như khủng hoảng cuối Tiền Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay như “Loạn ba vương thời Lý”, việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần… nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này.

Lịch sử đang cần có một nhân vật đứng ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung. Nói “Lịch sử đã lựa chọn” là nói thực tế khách quan đã có sự giằng co giữa các thế lực, mỗi thế lực có người đại diện của mình và đều là nhằm giành ngôi Nhà Lê đang suy tàn, bất lực. Nhưng sau khi loại trừ lẫn nhau, cuộc “chung kết” chỉ còn lại có hai đối thủ là Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung. Cuối cùng Mạc Đăng Dung đã thắng, tức Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn.

...Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng là “Vạn sự khởi đầu nan”, công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung. Nhân dân ta một khi đã thừa nhận là Nhà Mạc có những cống hiến nhất định cho dân tộc thì không thể không thừa nhận công lao của Nhà Mạc Đăng Dung.

— Trích bài Nhà Mạc và Thái tổ Mạc Đăng Dung

PGS Trần Thị Vinh (Viện Sử học):

Nhiều nhà viết sử và nghiên cứu lịch sử cho Mạc Đăng Dung là kẻ “cướp ngôi”, là “thoán đoạt”, là “nghịch thần”,... và... Nhưng hãy hỏi nếu như trong tình thế lịch sử lúc đó ở triều đình Nhà Lê, vua không ra vua, tôi không ra tôi, vậy ai sẽ là người đứng lên gánh lấy sứ mệnh trọng đại này? Nếu không là Mạc Đăng Dung thì sẽ là một người nào đó. Vì vậy sự kiện Mạc Đăng Dung đã từng gửi gắm ba phần tư quãng đời để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc không phải là một điều sỉ nhục như nhiều sử thần thời phong kiến đã gán cho Mạc Đăng Dung và triều đại Nhà Mạc phải được trả về với vị trí của mình.

Tôi đồng tình với một số ý kiến của giới sử học gần đây trong cách đánh giá Mạc Đăng Dung và Nhà Mạc. Tức chúng tôi nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải như một kẻ “nghịch thần” và cũng nhìn nhận một cách tương đối có cơ sở về những đóng góp của vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử nói chung. Nếu coi Mạc Đăng Dung là kẻ “thoán đoạt”, là “nghịch thần”,... và coi Nhà Mạc là “ngụy triều” tức là đã phủ nhận những đóng góp chung của Nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Còn nếu coi những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung ở cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI dẫn tới việc thiết lập vương triều Mạc là có tội thì trước kia vào cuối thời Lý đầu thời Trần, Trần Thủ Độ cũng dùng mưu mẹo thậm chí dùng cả hành động độc ác ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, giành cơ đồ về tay Nhà Trần, đưa Nhà Trần lên trường chính trị tương tự như vậy tại sao lại không bị lịch sử lên án? Nói tóm lại trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, việc triều đại này đổ, triều đại kia lên là một tất yếu lịch sử.

Như triều Lê thay triều Đinh, triều Lý thay triều Lê, triều Trần thay triều Lý, triều Hồ thay triều Trần, và triều Mạc thay triều Lê cũng là điều tất yếu lịch sử. Một số nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly hay Mạc Đăng Dung gắn liền với các sự kiện thay đổi của các triều đại nói trên cũng là tất yếu lịch sử. Những nhân vật đó không thể bị coi là có tội trước lịch sử như quan niệm cũ.

— Trích bài “Thể chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ XV đầu XVI và những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung tiến tới thành lập Vương triều Mạc” trong cuốn Vương triều Mạc

Trần Khuê (Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm):

Chẳng phải chính vua Quang Trung sau chiến thắng Đống Đa lừng lẫy vẫn phải vờ vịt thần phục thiên triều và cử giả vương sang làm lễ ôm gối Càn Long Nhà Thanh chiến bại để tỏ tình phụ tử?

Chẳng phải chính Chủ tịch Hồ Chí Minh... vẫn thấy cần hạ mình đến thăm... tướng... Tiêu Văn để đưa dân tộc thoát cảnh hiểm nghèo vào lúc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn trong nước? Chẳng lẽ lịch sử đã coi đó là những hành động ngoại giao khôn khéo lại không phải là sự đánh giá công bằng, chính xác?

Rút lại Nhà Mạc thường bị lên án về ba tội: cướp ngôi Nhà Lê, cắt đất của Tổ quốc dâng cho Nhà Minh, đầu hàng Nhà Minh một cách nhục nhã. Với quan điểm của chúng ta hiện tại: việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại, một dòng họ đã suy tàn là hợp quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên bờ cõi và bảo toàn chủ quyền là khôn khéo. Còn tội “cắt đất” dâng cho kẻ thù rõ ràng là không có chứng cứ chính xác.

— Trích trong “Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc”, 1991

TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm):

Tóm lại có 3 sự kiện nổi bật liên quan đến việc đánh giá Nhà Mạc. Một là lên ngôi của Mạc Đăng Dung thường được coi là thoán đoạt, nhưng là sự “thoán đoạt”, trong lúc triều đình Nhà Lê hoàn toàn suy sụp. Vì vậy cũng không nên coi hành động này của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi. Hai là để tránh thảm họa chiến tranh xâm lược, Nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của Nhà Minh. Ba là bốn động biên giới nước ta đã bị Nhà Minh lấy lại thành chuyện đã rồi đối với Nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, trái lại đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước cũng như tái lập quan hệ bang giao với Nhà Minh.

— Trích trong “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, HN, 2001)

Nguyễn Gia Kiểng (từng là quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa), một nhà hoạt động chính trị tại hải ngoại, đã có sự so sánh giữa Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung về khả năng ứng phó trước những biến thiên của thời thế:

Người ta lên án Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đã phản bội vua và cướp ngôi. Điều này vào thời đại đó và với khuôn mẫu đạo lý đó là đúng. Nhưng ngày nay nhìn lại thì sao? Nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng giáo vẫn còn là tốt cho đất nước và cần được duy trì thì cả Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đều đáng lên án. Ngược lại nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng giáo là khuôn mẫu cổ hủ đáng lẽ không được duy trì quá lâu như vậy, thì hành động thoán nghịch của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung phải được coi là đáng khen vì nó là một thách thức đối với khuôn mẫu Khổng giáo. Còn nếu chúng ta không có ý kiến dứt khoát thì hành động thoán nghịch chẳng là công mà cũng chẳng là tội. Nó chỉ là một biến cố chính trị. Vậy thì ngoại trừ đối với một số người thủ cựu một cách mê muội, cái tội thoán nghịch không nên đặt ra nữa. Cái gì bắt một dân tộc phải tiếp tục chịu đựng những ông vua tồi tệ như cuối đời Trần hay cuối đời Hậu Lê? Đạo lý nào bắt buộc như vậy chỉ là một đạo lý tồi tệ. Xét công, tội của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung phải dựa vào những gì họ để lại sau đó.

Người ta lên án Mạc Đăng Dung đã dâng đất cho Trung Hoa. Nhưng sự dâng đất này chỉ là hình thức và không đáng kể. Mạc Đăng Dung chỉ dâng năm động ở Cao Bằng. Năm cái động đó có đáng gì đâu so với ngay cả những đất đai mà Nhà Lý, được coi là oanh liệt, đã phải nhượng cho Trung Quốc để cầu hòa, sau nhiều cố gắng chiến đấu. Vả lại, người Trung Hoa chẳng bao giờ sang tiếp thu năm cái hang núi này cả, cho nên trên thực tế, Mạc Đăng Dung không làm mất một tấc đất nào.

Người ta coi Hồ Quý Ly hơn Mạc Đăng Dung, ở chỗ Hồ Quý Ly đã dám đánh lại quân Tàu, dù là đánh để rồi thua và mất nước. Người ta sỉ vả Mạc Đăng Dung là đã hèn nhát xin hàng tướng Tàu, dù nhờ đó mà Việt Nam tránh được chiến tranh và không mất nước.

Tại sao lại có việc trọng Hồ Quý Ly, khinh Mạc Đăng Dung? Có hai lý do. Lý do thứ nhất là tinh thần quốc gia chúng ta không cao. Ta không coi trọng những gì có lợi cho đất nước mà chỉ để ý xem cái gì là độc đáo trong một con người; chúng ta vẫn suy luận như những cá nhân chứ không phải như một dân tộc. Lý do thứ hai là óc tôn thờ chiến tranh đã nói ở một phần trước trong sách này. Đánh bao giờ cũng có sức quyến rũ hơn hòa, dù là đánh ngu xuẩn như Hồ Quý Ly.

Cho đến ngày nay, lập trường trọng Hồ khinh Mạc vẫn còn ngự trị, điều đó chứng tỏ trí tuệ tập thể chúng ta vẫn còn mê muội, tâm lý của chúng ta vẫn chưa được khai thông.

— Trích bài viết “Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung” trong sách “Tổ quốc ăn năn”, 2002

GS TSKH Phan Đăng Nhật (Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian):

Phong kiến Nhà Lê đã nhiều lần liên tục cho người đi cầu cứu Nhà Minh đem quân sang đánh ta. Với danh nghĩa là đánh Mạc, Nhà Minh sẽ thừa cơ tàn sát tiêu diệt luôn cả nước Việt. Đây là một mục đích truyền đời của phong kiến phương Bắc. Nhà Lê thừa biết điều này, nhưng vì quyền lợi ích kỷ của vương quyền, vẫn cứ ra sức van nài Nhà Minh.

...Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa Trạng nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước qua việc họa thơ. Có người nói bài thơ đã đuổi được giặc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuộc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh này.

Thái tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho thiên triều đỡ mất mặt. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi được 22 vạn quân ngoại xâm và ít nhất một vạn nội phản; mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.

...Nếu đối chiếu các điều kiện thần phục, trong tình hình đối nội, đối ngoại quá gay gắt và phức tạp như vậy, thì việc thần phục của vua Mạc đã mất một số hư danh mà được nhiều thắng lợi thực tế. Trong đó, quan trọng là tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc, bao gồm lực lượng của quân Minh bên ngoài ép vào và quân Lê-Trịnh từ trong đánh ra. Xét trong lịch sử ngoại giao của chúng ta với phong kiến Trung Quốc có nhiều trường hợp phải hết sức lựa chiều, khéo léo.

So sánh phương án hành xử với quân xâm lược Nhà Minh của Mạc Đăng Dung và Lê Lợi, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Đăng Lợi viết:[85]

“Bình Định vương Lê Lợi đại thắng quân đô hộ Minh nhưng vẫn phải cấp tàu xe, lương thảo cho Vương Thông rút quân, phải trả lừa, ngựa, binh khí, tù binh cho y; lại phải thực hiện danh nghĩa phù Trần diệt Hồ của Nhà Minh mà dựng Trần Cảo làm vua, phải cống người vàng...”

Học giả kiêm sử gia nổi tiếng đầu thời Nhà Nguyễn là Phan Huy Chú cũng có nhận xét tương đồng:[86]

“Xét buổi đầu Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần; dùng lời nói dịu dàng, mềm dẻo để Nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hòa hiếu. Đến khi Trần Cảo chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho, trải 3 năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Thế cũng đủ thấy sự thế bây giờ là khó.”